Góc nhìn

Thứ 4 ngày 13 tháng 03 năm 2019Lượt xem: 7989

Lo "vỡ trận" vì bác sĩ bệnh viện công chạy việc.

Ngày càng nhiều bác sĩ của bệnh viện công chạy sang bệnh viện tư làm việc, khiến các nhà quản lý ngành y tế đau đầu.

Sẽ xảy ra nhiều hơn?

Theo Sở Y tế Đồng Nai, những năm qua tình trạng bác sĩ (BS) ở bệnh viện (BV) công nghỉ việc sang “đầu quân” cho BV tư ngày một tăng. Cụ thể: năm 2016 chỉ có 65 BS của BV công nghỉ việc, thì năm 2017 tăng lên 98 người, đến năm 2018 là 102 người. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có 6 BS BV công nghỉ việc và 5 BS đã nộp đơn.

BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc BV đa khoa Đồng Nai, cho biết trong năm 2018, BV này có 32 BS nghỉ việc, trong đó có 3 phó khoa và 8 BS có trình độ thạc sĩ. Nhóm BS nghỉ việc nhiều nhất nằm trong số BS trẻ (từ 2 - 5 năm kinh nghiệm), sau vài năm làm tại BV công, được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc học xong chuyên khoa 1 thì... bỏ đi.

Tương tự, năm 2018, ngành y tế TP.HCM cũng lo lắng khi có 23 nhân viên y tế gồm 6 BS, 6 điều dưỡng, tài xế thuộc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM... nghỉ việc. Lý do chủ yếu là thu nhập quá thấp. PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, lo ngại khuynh hướng BS chuyển dịch chỗ làm sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới. BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cảnh báo: “Tình hình “chảy máu chất xám” BS BV công đang báo động. Cần phải có giải pháp can thiệp nếu không tình trạng trên tiếp tục dễ dẫn đến hiệu ứng domino là ngành y tế “vỡ trận”.

 

 

Không chỉ thu nhập.

BS Lê Thị Phương Trâm cho biết BV đa khoa Đồng Nai đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến về tiền lương và đa số BS muốn mức lương khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nguyện vọng này, ngoài việc đa dạng các hoạt động khám chữa bệnh, BV còn đang xây dựng đề án khoán việc để tăng thu nhập cho BS.

Tuy nhiên, Giám đốc BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) Phạm Văn Dũng cho rằng ngoài vấn đề thu nhập, tiền lương, còn một số nguyên nhân khác như về cơ chế, chính sách. Bên cạnh áp dụng cơ chế khoán việc, ngành y tế cần có sự thay đổi một số chính sách, cơ chế cho phù hợp và quản lý chặt hơn.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng nhiều người bỏ BV công không phải vì tiền mà còn do môi trường làm việc không thoải mái. Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, nguồn thu đối với BS không phải là vấn đề quyết định tất cả mà môi trường làm việc. “Nhiều khi được cống hiến trí tuệ, tài năng mang lại niềm vui cho người dân là niềm động viên cho BS”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nói và dẫn chứng: “Nhiều BS qua BV tư dù lương cao nhưng vẫn nghỉ vì không được đi học tập, nghiên cứu nâng cao tay nghề. BV huyện Củ Chi một năm tuyển được nhiều BS, là do chính quyền địa phương quan tâm về chính sách (phụ cấp, chỗ ở), không khí làm việc tốt”.

3 - 5 năm trước cũng từng có “cơn sốt” ngầm các BS giỏi của BV công tại Hà Nội về đầu quân cho một BV tư nhân lớn trên địa bàn TP. BV Hữu nghị Việt - Đức và BV Bạch Mai là hai trong số các BV công có điều dưỡng và BS sang “đầu quân” cho BV này. Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số BS trong cuộc, không ít người đã rời khỏi BV tư, bởi thu nhập cao không phải là điều kiện đủ để một BS hay điều dưỡng gắn bó với BV.

Ông Bùi Thành Chi, nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) - người có nhiều kinh nghiệm trong điều hành BV công cũng như BV tư, cho rằng BS giỏi hàng đầu, trong tuổi lao động, đang làm trong BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai hầu như không có nhu cầu chuyển đến BV tư chỉ vì thu nhập. “Nếu lựa chọn BV tư chỉ vì có thu nhập cao thì chưa đủ. Bởi với nghề y, cùng với thu nhập, thì môi trường làm việc phù hợp cũng là yếu tố giúp cho BS có thể cống hiến và gắn bó”, ông Chi nói.

thanhnien